Cách Nấu Trà Sữa Truyền Thống Ngon Đơn Giản Tại Nhà
Trà sữa là thức uống yêu thích ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Với hương vị độc đáo hòa quyện giữa hương thơm của trà và vị ngọt béo của sữa, trà sữa truyền thống đã chinh phục hàng triệu người yêu thích trà trên khắp thế giới. Nếu bạn đang tìm cách nấu trà sữa truyền thống tại nhà để thưởng thức mà không cần phải đặt mua, hãy cùng Nguyên liệu Kim Tinh khám phá cách thực hiện ngay sau đây!
Trà sữa truyền thống là gì?
Trà sữa truyền thống là một loại đồ uống có nguồn gốc từ Đài Loan, được pha chế từ trà đen cùng sữa và đường. Trà sữa truyền thống là sự kết hợp giữa hương vị đặc trưng của trà cùng vị ngọt ngào, béo ngậy từ sữa tạo nên hương vị độc đáo và phổ biến rộng rãi trong nền văn hóa ẩm thực Á Đông.
Nguyên liệu nấu trà sữa trân châu truyền thống
Nguyên liệu được sử dụng trong công thức nấu trà sữa truyền thống chỉ bao gồm trà, sữa tươi, đường và trân châu. Trà sữa trân châu truyền thống chỉ sử dụng những nguyên liệu đơn giản thay vì pha chế cầu kỳ như các món trà sữa được tạo ra sau này. Thông thường, khi nhắc đến trà sữa truyền thống thì người ta hàm ý rằng loại trà được sử dụng là những loại trà quen thuộc như trà đen (hồng trà), trà xanh hoặc trà olong.
Để nấu trà sữa truyền thống, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu sau (công thức đủ cho 2 người dùng):
- 60g trà (dùng trà túi lọc hoặc trà lá đều được)
- 1 lít nước pha trà
- 500ml sữa tươi hoặc bột sữa đã pha
- 70g đường
Nguyên liệu làm trân châu bao gồm:
- Bột năng: 100g
- Bột cacao: 10g
- Đường nâu: 20g
- 60ml nước sôi để nguội
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại nguyên liệu nấu trà sữa cầu kỳ hơn giúp tạo ra các công thức nấu trà sữa thơm ngon và lạ miệng hơn
Cách nấu trà sữa truyền thống thơm ngon, đơn giản tại nhà
Cách nấu trà sữa trân châu truyền thống tương đối đơn giản vì nguyên liệu ít và dễ tìm mua. Bên cạnh đó, công thức thực hiện cũng không quá phức tạp như các loại trà sữa hiện đại. Tiếp theo đây, chúng ta sẽ cùng khám phá qua hai phần nội dung: phần đầu tiên là cách nấu trân châu và phần thứ 2 là hướng dẫn cách nấu trà sữa truyền thống.
Cách làm trân châu
Để nấu trà sữa truyền thống, chúng ta không thể thiếu trân châu. Trân châu, hay còn được gọi là boba, là những hạt mềm nhỏ, thường được làm từ bột bắp, bột khoai mì hoặc bột năng. Trân châu có thể có nhiều màu sắc khác nhau như trắng, đen, xanh lá,… tùy thuộc vào phương pháp chế biến. Trong phần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về cách nấu trân châu đơn giản tại nhà.
Bước 1: Trộn bột
Đầu tiên, bạn chuẩn bị một cái thau có kích thước vừa phải. Bạn đổ bột năng, bột cacao, đường và nước vào thau sau đó trộn đều để tạo ra một loại bột dẻo sẫm màu. Sau khi bột đã được trộn đều, bạn cho bột nghỉ khoảng 10 phút.
Bước 2: Nhào bột
Sau khi qua 10 phút, bạn tiến hành nhào bột cho đến khi cảm thấy bột không còn dính tay thì hãy tiếp tục ủ thêm 15 phút. Hãy dùng màng bọc thực phẩm bọc lại thau và đợi.
Bước 3: Vo viên bột
Hết 15 phút, bạn bắt đầu vo bột thành những viên tròn theo kích thước tùy ý. Khi vo xong, bạn lăn bột qua bột năng để các viên không bị dính vào nhau.
Bước 4: Luộc trân châu
Bạn chuẩn bị 2 lít nước và đổ vào nồi nấu sôi. Ngay khi nước sôi, bạn cho trân châu đã vo viên vào nồi luộc. Thời gian luộc trân châu trong khoảng 25 phút, trong lúc luộc nên nên khuấy đều và không để trân châu bị dính vào đáy nồi hoặc dính vào nhau.
Cách nấu trà sữa
Trong cách nấu trà sữa truyền thống ngon thì yếu tố mấu chốt tạo nên hương vị của thức uống này là nước trà sữa. Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu cách nấu trà sữa truyền thống. Với những nguyên liệu đã chuẩn bị trước đó, bạn thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Nấu trà
Trước hết, bạn đun nước trong ấm hoặc nồi đến khi nước sôi. Nếu dùng lá trà thì bạn đổ trà vào bình có màng lọc hoặc nồi nhỏ, với trà túi lọc thì bạn bỏ túi trà vào nồi hoặc bình thủy tinh. Bạn đổ nước sôi vào trà và để ủ trà trong khoảng 20 phút. Khi ủ xong, bạn đổ trà ra lọc sạch cặn và lá trà.
Bước 2: Nấu sữa
Trong một nồi khác, bạn đun sữa tươi trên lửa nhỏ. Trên thực tế, việc đun nóng sữa tươi cũng có những lợi ích khi nấu trà sữa truyền thống. Đầu tiên, đun nóng sữa sẽ giúp các nguyên liệu hòa quyện tốt hơn với nhau, tạo nên hỗn hợp trà sữa mịn màng và đồng nhất. Thứ hai, đun sữa cũng có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn gây hại cho sức khỏe.
Khi đun sữa, nếu bạn thích trà sữa ngọt hơn, bạn có thể thêm đường vào sữa và khuấy đều cho đến khi đường tan hoàn toàn. Bạn cũng có thể thêm bột kem béo nếu thích béo hơn. Tuy nhiên, lưu ý rằng bạn không nên đun sữa quá sôi mà chỉ nên dùng lửa nhỏ để đun nóng, khuấy đều tay để tránh sữa bị cháy. Nếu dùng sữa đặc để nấu trà sữa truyền thống thì không cần đun nóng.
Bước 3: Pha trà vào sữa
Khi sữa đã nóng và có độ ngọt như mong muốn, bạn tắt bếp và đợi đến khi sữa chỉ còn ấm ấm. Vì nếu bạn đổ trà vào sữa quá nóng thì trà sẽ có vị đắng. Tiếp theo, bạn đổ trà từ từ vào nồi sữa và khuấy theo một chiều duy nhất. Điều này giúp trà và sữa hòa quyện với nhau và có màu sắc đồng đều hơn. Vậy là bạn đã biết cách nấu trà sữa truyền thống rồi đó, rất đơn giản đúng không nào?
Lúc này, bạn đã có được trà sữa và trân châu. Bạn chỉ cần đổ trà sữa ra ly, thêm trân châu và một chút đá viên nếu muốn uống lạnh. Trong trường hợp bạn muốn trữ trong tủ lạnh để dùng sau, hãy đổ vào ly hoặc bình kín. Tuy nhiên bạn nên dùng trong vòng 2-3 ngày để hương vị được đảm bảo nhất.
Ngoài trà sữa truyền thống hãy tham khảo thêm Cách Pha Trà Sữa Bằng Trà Đen hoặc học Cách Làm Hồng Trà Sữa Tại Nhà Thơm Ngon
Những lưu ý để nấu trà sữa truyền thống ngon
Khi mới bắt đầu pha chế trà sữa trân châu truyền thống, bạn có thể chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc lựa chọn nguyên liệu hoặc không biết cách nấu sao cho ngon nhất. Bên cạnh việc nắm công thức nấu trà sữa truyền thống và cách thực hiện, sau đây là một số điều bạn cần lưu ý khi nấu trà sữa trân châu tại nhà:
- Lựa chọn trà: Trà cũng có nhiều loại trà đến từ nhiều thương hiệu khác nhau. Mỗi loại trà có một mùi hương đặc trưng riêng. Khi mua trà, bạn nên tìm đến những địa chỉ bán nguyên liệu nấu trà sữa uy tín và luôn kiểm tra ngày sản xuất – hạn sử dụng trên bao bì.
- Đóng gói trà cẩn thận: Trà có thể được đóng gói trong hộp hoặc túi với túi hút ẩm hoặc hút chân không. Hãy kiểm tra xem bao bì đóng góp có kỹ lưỡng hay không, trà có bị ẩm hay không, nơi bán bảo quản trà trong môi trường ra sao,…
- Lựa chọn sữa tươi và bột sữa: Bột sữa có hạn sử dụng dài hơn sữa tươi nên tiện lợi và dễ bảo quản hơn. Nếu bạn không có nhu cầu nấu trà sữa truyền thống thường xuyên hoặc chỉ cần sử dụng một ít mỗi lần thì bạn nên mua bột sữa để sử dụng được lâu hơn.
- Làm sạch công cụ: Trước khi bắt đầu, hãy đảm bảo các công cụ nấu trà sữa bạn sử dụng như ấm đun, ống hút, ly đựng trà… đã được làm sạch kỹ càng để tránh thành phẩm bị nhiễm vi khuẩn.
- Đừng quá lạm dụng đường: Trà sữa có thể dùng đường để thêm vị ngọt, nhưng điều quan trọng là không nên quá lạm dụng đường. Đó là vì vị ngọt của đường rất khó bị loại bỏ nếu bạn lỡ tay thêm quá nhiều.
- Bảo quản trà sữa đúng cách: Trà sữa sau khi nấu chỉ nên bảo quản trong tủ lạnh và dùng trong vòng 2-3 ngày. Nếu để trà sữa bên ngoài quá lâu, trà sữa sẽ bị hỏng và không còn an toàn để dùng.
Tổng kết
Trà sữa truyền thống là một món đồ uống phổ biến và được yêu thích trên toàn thế giới. Việc nấu trà sữa tại nhà không chỉ đảm bảo an toàn vệ sinh mà còn cho phép bạn tùy chỉnh hương vị theo sở thích cá nhân.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu được cách nấu trà sữa truyền thống và dễ dàng thực hiện theo. Nếu bạn cần tìm mua nguyên liệu nấu trà sữa, truy cập ngay Nguyên liệu Kim Tinh và liên hệ số điện thoại 0907 662 997 để đặt hàng ngay!